Phản ví dụ của một số sự kéo theo hội tụ trong xác suất

[Review sách] Điều kì diệu của tiệm tạp hoá Namiya

[Review sách] Điều kì diệu của tiệm tạp hoá Namiya



Đã một thời gian không ngắn kể từ lần cuối đọc tiểu thuyết Nhật Bản, hôm nay mình quyết định đọc một truyện được đánh giá khá cao trong số những quyển mua thời gian vừa rồi, đó là "Điều kì diệu của tiệm tạp hoá Namiya". Dù là lần đầu tiếp xúc với văn phong của Higashino Keigo (trước đây chỉ nhìn thấy tên ông trên bìa những cuốn như Phía sau nghi can X, hay Bạch dạ hành), nhưng thực sự mình đã bị choáng ngợp bởi cách kể chuyện mạch lạc, súc tích, mà cuốn hút của ông. Đọc xong mỗi trang mà cảm giác thôi thúc lật ngay trang mới mãi không thôi, để rồi chỉ sau hơn 4 tiếng, mình đã chạm tay đến trang cuối cùng.

[Review dưới đây của mình có chứa một số spoiler nhẹ, những bạn nào sắp đọc thì nên cân nhắc.]

Có lẽ bất kì ai trong số chúng ta đều đã từng phải đứng trước những lựa chọn khó khăn quyết định tương lai của đời mình, và không ít người muốn xin nhờ sự tư vấn của kẻ khác. Nếu bạn là một trong số những người như vậy, thì xin chào mừng đến với tiệm tạp hoá Namiya của ông già Yuji. Quy tắc để nhận được sự tư vấn rất đơn giản, bạn chỉ cần bỏ thư chứa tâm tư của mình vào khe thư của tiệm, rồi sáng hôm sau hãy đến lấy thư trả lời ở trong hộp nhận sữa phía sau tiệm. Và tất nhiên, bạn không cần xưng danh để đảm bảo sự riêng tư. Ban đầu khi mới mở dịch vụ, ông già Yuji chỉ nhận được những câu hỏi bông đùa của bọn trẻ con như :
"Cháu muốn 100 điểm bài kiểm tra mà không phải học hay làm trò gian lận như quay cóp, cháu phải làm như thế nào ?"
Và câu trả lời từ ông già cũng rất kiểu "hỏi nhanh đáp gọn" :
"Cháu hãy xin cô giáo cho làm bài kiểm tra về cháu. Bài kiểm tra về cháu nên cháu sẽ làm đúng hết."

Nhưng dần dà, khi ông luôn trả lời đầy đủ và rất có tâm cho mỗi người gửi thư, thì tiệm trở nên có tiếng và những bức thư nhờ tư vấn "nghiêm túc" ngày càng tăng lên. Cứ như thế, mỗi chương sách lại là một mảnh đời khác nhau, đứng trước những con đường tương lai nhiều ngã rẽ, cùng gửi thư tư vấn đến tiệm tạp hoá Namiya. Các câu chuyện đều tưởng chừng như tách biệt cả về không, thời gian, nhưng rồi bằng sự tinh tế, tác giả đã tìm ra được sợi chỉ khâu tất cả bức khảm đó thành một bức tranh lớn, thống nhất.

Xét về các nhân vật trong truyện, thì mình thích nhất ông già Yuji. Bản thân ông hiểu rằng khi một người xin sự tư vấn, là người đó đã có sẵn câu trả lời cho mình rồi, những lời khuyên của ông không hề mang tính chất phán xét, mà là những nhận xét, lời bảo ban chân thành, sự quan tâm dù là những chi tiết nhỏ nhặt nhất của một người từng trải, như khi trả lời thư của nhóc "Paul Lennon" :

"Trong thư cháu viết là 'Cháu ghét bố mẹ của hiện tại'. Bác muốn đặt niềm hi vọng vào chữ 'hiện tại' ấy. Nghĩa là trước đây cháu có yêu bố mẹ, sau này, tuỳ tình hình mà tình cảm của cháu dành cho bố mẹ có thể hồi phục."

Hay khi ông trả lời bức thư trắng :

"Sau khi vận dụng hết cái đầu già cỗi này, tôi hiểu bức thư này là 'không có bản đồ' ... Nhưng bạn hãy thử thay đổi cách nhìn. Vì còn là giấy trắng nên bạn có thể vẽ bất kì bản đồ nào. Tất cả là còn tuỳ ở bạn. Mọi thứ đều tự do, khả năng là vô tận. Điều này thật tuyệt. Tôi mong bạn hãy tin vào bản thân và cháy hết mình với cuộc đời."


Trong cuốn truyên không hề có một triết lí nào được nêu ra rõ ràng. Nhưng qua cách các nhân vật đối mặt với hoàn cảnh của bản thân, ta có thể tự rút ra cách đối nhân xử thế cho chính mình. Vì đôi khi không còn ranh giới đúng sai và thước đo về đạo đức trong những lựa chọn bước ngoặt của cuộc đời. Hãy cứ tin vào quyết định của bản thân và luôn cố gắng hết mình vì nó, như những "Thỏ Ngọc cung trăng", "nhạc sĩ cửa hàng cá" hay "Chó nhỏ lạc lối" vậy.

Tổng kết lại là truyện đáng đọc, và sẽ đọc lại lần hai (y).

Nhận xét